top of page

Covid 19 và những chính sách chưa từng thấy của các trường Đại học Mỹ

Updated: Oct 10, 2021


Đại dịch Covid-19 đang có sức ảnh hưởng ngoài dự đoán trên toàn thế giới và diễn biến ngày một phức tạp tại Mỹ. Là người đang làm việc trong mảng giáo dục Đại học tại Mỹ, mình muốn tóm tắt và chia sẻ các thay đổi và những chính sách chưa từng có tại các trường Đại học cho mùa tuyển sinh năm nay, cũng như phân tích các hệ luỵ khó lường cho năm sau 2021-2022.


Giữa tháng 2

Hồi giữa tháng 2 mình có 1 chuyến đi thăm campus các trường Đại học (ĐH) phía dưới khu vực bang North Carolina, lúc đó dịch Corona đang hot ở châu Á nên mình tranh thủ làm 1 video tìm hiểu xem sinh viên Mỹ bên này có hiểu biết gì về Corona, cũng chia sẻ trải nghiệm của mình để trấn an tinh thần mọi người ở Việt Nam. Hồi đó (nghe kiểu xa xôi chứ mới hơn tháng trước chứ mấy nhỉ), phần lớn sinh viên Mỹ đều nghe về “Wuhan virus” nhưng 100% ko lo lắng hay quan ngại gì cả, ai cũng rất lạc quan. Mình tìm kiếm các thông tin liên quan đến Corona để giúp học sinh VN mùa nhập học năm nay mà đều ko thấy các trường ĐH có thông báo gì. Tổng thống Mỹ hồi đó cũng không buồn quan tâm (còn bây giờ thì ổng kêu tao biết bệnh này sẽ trở thành đại dịch trước cả khi nó bắt đầu lây lan hihi). Tóm lại, cách đây 1 tháng, nước Mỹ và các trường ĐH Mỹ đều hoạt động hết sức bình thường; Corona chỉ được coi như là 1 loại cúm mùa hoặc thậm chí còn không bằng.

Đầu tháng 3

Đến đầu tháng 3 là lúc bệnh dịch lan đến bờ Đông, đặc biệt là New York và đây mới là lúc mà người dân, chính quyền và các trường ĐH Mỹ thực sự nhận ra độ nghiêm trọng của Covid-19. Ngày 8/3 là lần đầu tiên mình theo dõi thấy có những danh sách các trường ĐH đầu tiên thông báo đóng cửa, chuyển các lớp học thành dạng trực tuyến. Và đây chính là lúc các trận chiến Covid-19 trong môi trường ĐH Mỹ bắt đầu.

Đóng cửa các trường ĐH: phương án tạm thời và những hệ luỵ.

100% các lớp học trực tiếp bị huỷ, các lớp chuyển sang dạng trực tuyến, sinh viên học tại ký túc xá hoặc tại nhà để giảm thiểu việc di chuyển, và các giao tiếp trực tiếp. Hệ luỵ là các trường học bắt đầu phải đối diện với nhưng kiến nghị đòi hoàn một phần học phí. Cá nhân mình thấy khá là hợp lý vì chi phí mà phụ huynh và sinh viên phải chi trả không chỉ có kiến thức hay room&board mà nó bao gồm rất nhiều giá trị vô hình như những giao tiếp với thầy cô bạn bè, xây dựng mối quan hệ, cơ hội công việc và nghiên cứu cũng như các quyền sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường… vì vậy khi không còn khả năng cung cấp những quyền lợi này trong ít nhất 2 tháng, các nhà trường sẽ phải tìm cách hỗ trợ hoặc hoàn tiền cho sinh viên. Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính của trường trong năm nay và năm sau.

Đóng cửa các ký túc xá: sinh viên quốc tế đi về đâu?

Ngay sau khi đóng cửa trường học, các sinh viên cũng được khuyến khích di rời khỏi ký túc xá. Nói là khuyến khích động viên cho nhẹ chứ thực ra có những nơi mời sinh viên thẳng cẳng ra khỏi ký túc xá, ai có nhà về nhà, ai không có nhà như sinh viên quốc tế thì xin mời bay về nước. Qua đợt này mình nhìn rõ hơn bản chất của nhiều trường ĐH ở Mỹ, để biết trường nào thực sự quan tâm đến sinh viên (trợ cấp tiền vé máy bay, vẫn mở 1 khu dorm tập trung cho sinh viên không có chỗ ở..), trường nào thiếu kinh nghiệm và cứng nhắc trong việc quản lý sinh viên.

Khi biết nhiều trường đuổi sv ra khỏi KTX mình đã phải nhắn hỏi toàn bộ học sinh cũ của mình xem tình hình thế nào nhưng rất ưng cái bụng là không có đứa nào bị trường đối xử tệ cả, đều đang ăn no ngủ kỹ và không có nhu cầu lao về VN.

Huỷ các kỳ thi chuẩn hoá: kẻ khóc người cười!

- SAT và ACT là 2 bài thi chuẩn hoá để đánh giá năng lực của học sinh khi apply vào các trường ĐH Mỹ. Tại thời điểm này, 2 bài thi này đã được huỷ cho đến tận tháng 5 hoặc thậm chí có thể xa hơn tuỳ vào diễn biến của bệnh dịch. Nhiều trường đã xử lý tình huống này bằng cách chuyển điểm SAT/ACT từ dạng bắt buộc (required) sang dạng không bắt buộc (optional) cho mùa tuyển sinh 2021-2022. Điều này có nghĩa là, ai có sẵn điểm thi hoặc vẫn kịp thi và có điểm trước hạn thì hẵng nộp cùng hồ sơ còn không thì không cần, trường sẽ có cách xét duyệt hồ sơ dựa và các tiêu chí khác (GPA, hoạt động ngoại khoá, essays..).

Với một số hs trung học ở Mỹ, điều này là 1 tin mừng vì “1 less thing to worry about”, nhưng với học sinh quốc tế, đây quả thực là 1 điều đáng ngại. Hồ sơ của học sinh quốc tế thường có nhiều bất lợi do có nhiều khác biệt về chương trình học, hệ thống thi cử và tính điểm, hoạt động ngoại khoá không đa dạng, các bài luận không được viết bằng tiếng mẹ đẻ như học sinh Mỹ.., vì vậy chúng ta cần 1 bài thi chung để thể hiện mình. Học sinh quốc tế nói chung và châu Á nói riêng đã chứng tỏ mình có thể làm rất tốt bài thi SAT và ACT và thậm chí dần biến nó trở thành một thế mạnh để cạnh tranh với học sinh Mỹ. Nắm được thế mạnh này, mình vẫn khuyên học sinh của mình cố gắng thi bài thi chuẩn hoá, dù là tháng 5 hay tháng 8 hay tháng 10 cũng cứ nên thi. Học sinh mình năm ngoái có cậu tháng 11 mới thi do quyết định đi du học muộn, ấy vậy đâu vẫn có đó :D

- TOEFL iBT và IELTS là 2 bài thi năng lực tiếng Anh dành riêng cho học sinh quốc tế. Không ngoài dự đoán của nhiều người, những bài thi này cũng sớm bị huỷ. Trái với SAT và ACT có thể chuyển thành optional, khả năng ngôn ngữ để chứng minh mình có thể học ĐH bằng tiếng Anh thì làm sao optional đươc? Vì vậy nhiều trường ĐH cũng đang bắt đầu tìm đến 1 phương án mang tên Duolingo English Test (DET) – 1 app học tiếng Anh và có tổ chức thi online luôn, điểm của nó đã được chấp nhận ở trên 500 trường ĐH tại Mỹ bao gồm cả những trường hot như Johns Hopkins hay Duke. Mình sẽ viết 1 bài riêng phân tích pros & cons của bài test Duolingo này sau.

Hồi trước mình có liên hệ đến một vài trường như U of Florida, NC State hay thậm chí mấy trường Liberal arts nhỏ như Kenyon hay St. Olaf.., họ đều chưa chấp nhận Duolingo nhưng mình chắc chắn là trong đợt Covid này các trường sẽ phải nhanh chóng bổ sung bài thi này vào cùng với điểm thi TOEFL và IELTS cho học sinh quốc tế mùa tới.


Tương lai gần

Viễn cảnh nhập học 2020 – 2021 và những hệ luỵ cho mùa tuyển sinh 2021-2022


Mùa 2020 – 2021

Đáng nhẽ ra đây đang là thời điểm rộn ràng của các học sinh mới trúng tuyển và các trường ĐH chuẩn bị chào đón sinh viên mới tuy nhiên có một số thay đổi đang ngại mà mình đã kịp nhận thấy dù các trường mới trả kết quả không lâu.

- Hơn 250 trường đã phải lùi hạn nộp deposit từ 1/5 đến 1/6 để học sinh có thêm thời gian suy nghĩ và quyết định, điều này xuất phát từ việc các trường phải đóng cửa và huỷ các chuyến campus tour đến thăm trường (Thông thường sau khi các có offer từ vài trường, học sinh sẽ dành tháng 4 để đến thăm các campus trước khi đưa ra quyết định cuối cùng vào đầu tháng 5). Hệ luỵ là nhà trường sẽ có ít thời gian hơn để chuẩn bị các công tác như room&board, orientation, đăng ký môn học và ổn định cuộc sống cho sinh viên mới.


- Với học sinh và gia đình Mỹ, có nhiều người đang lo lắng, thậm chí phải xem lại dự định ĐH ban đầu. Đa số người dân Mỹ sống paycheck-to-paycheck, họ thường không có hẳn 1 khoản tiền lớn phòng khi có những thay đổi đột xuất. Vì vậy nếu công việc của họ bị đình trệ trong một vài tháng này, khả năng chi trả tiền học ĐH cho con cái cũng bị ảnh hưởng tương đối lớn. Trong 1 số diễn đàn của các cố vấn ĐH mà mình theo dõi, đang có xu hướng học sinh “break the ED contract – phá ràng buộc của kỳ tuyển sinh sớm” để theo học các trường in-state cho tiết kiệm và gần với gia đình hơn thay vì những trường tư đắt đỏ và xa xôi. Từ đó nảy sinh thêm 1 xu hướng khá hài đó là có những hs bị denied, quyết tâm mặt dày viết thư đến các trường xin xem xét lại vì “biết đâu có nhiều người được admit nhưng sẽ đổi ý và mình sẽ có cơ hội”. Nghe hơi mặt dày nhưng có lý của nó đấy !!!


- Còn đối với học sinh quốc tế, mình nghĩ chắc sẽ không có nhiều thay đổi về quyết định đi du học nhưng các bạn ý cũng sẽ bị ảnh hưởng về lịch trình nhập học. Do phải học và thi bù nên không thể sang sớm để tham gia các hoạt động orientation hoặc thậm chí có thể phải nhập học muộn, chưa kể quá trình xin visa cũng sẽ căng thẳng và đông đúc hơn hẳn.

Dự đoán cho mùa tuyển sinh 2021-2022

Chắc chắn học sinh quốc tế chúng ta sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn và bất lợi. Như mình đã phân tích ở trên về các bài thi chuẩn hoá bị huỷ, hay các sự trì hoãn trong học tập và thi cử chính quy, học sinh quốc tế năm tới còn phải đối mặt với một sự khủng hoảng tài chính của hệ thống giáo dục. Nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến budget của các trường ĐH cũng sẽ không thể dư dả, các khoản hỗ trợ tài chính cũng vì vậy mà eo hẹp đi rất nhiều. Các trường sẽ trông nhiều vào những khoản full-pay đến từ sinh viên quốc tế hơn.

-> Đối sách tại thời điểm hiện tại cho học sinh của mình là tìm được những trường có nguồn lực tài chính vững (không nhất thiết phải là trường to hay có các chiến dịch marketing quốc tế), hiểu rõ chính sách tuyển sinh quốc tế và những thay đổi trong cách chọn hồ sơ. Nôm na là tìm những anh nhà giàu ngầm và lân la xem làm sao để lọt vào mắt xanh của các ảnh!

____________________________________

Thực ra còn nhất nhiều chuyện phiếm xung quanh việc các trường ứng phó với Covid 19 thế nào nhưng mình mà viết thêm chắc sẽ thành sớ mất. Qua giai đoạn hiếm gặp này, mình cũng học được rất nhiều điều về chính trị, xã hội từ cả quê nhà Việt Nam và Mỹ. Làm việc trong môi trường giáo dục cũng giúp mình có cái nhìn bình tĩnh hơn về khủng hoảng này so với các ngành nghề khác, từ đó có những đánh giá, so sánh khách quan. Hi vọng có thể giúp các bạn học sinh và các bậc phụ huynh hiểu thêm một chút về tình hình hiện tại và viễn cảnh mùa apply năm sau.

Ah, mình ở Mỹ thì vẫn ổn, vẫn kết nối và làm việc được với các bạn học sinh quốc tế ok, chỉ là cũng không đến cơ quan training được, không đi campus tour được và làm vlog thêm (dù vẫn còn nhiều footage mà lười chưa làm thành vlog) và không biết có đi được buổi hội thảo lớn nhất về college counseling được không... Dù rất nhiều khó khăn trước mắt nhưng không hiểu sao mình vẫn rất lạc quan về lứa học sinh năm nay của mình, các bạn đều bình tĩnh trước sóng gió :D và đang tỉ mỉ cùng mình và bác Alison trong quá trình nghiên cứu trường hay vui vẻ chuyển hướng luyện thi Duolingo thay TOEFL. Thôi thì bây giờ ở nhà, mình càng có thời gian chăm học sinh và đánh giá đường đi nước bước của các trường bên này *judgemental face*


Nếu các bạn và các em học sinh có nhiều thời gian ở nhà thì hãy nghía qua các vlog campus review của mình (tại đây hoặc qua trang youtube của mình) và đón đọc thêm các bài phân tích về chủ đề du học Mỹ nhé!


Hạnh.

---------------


See you soon!!!

150 views0 comments

Comments


bottom of page