top of page

Thành tích học tập "giỏi vừa" và hoạt động ngoại khoá khôn ngoan

Updated: Oct 10, 2021

Mình đang cố gắng viết blog, làm vlog tổng hợp trong series College Application 101 như một "one-stop source" về các chủ đề/hoạt động chuẩn bị hồ sơ như đã đề cập ở trên. Các bạn, các em ủng hộ và đón đọc/xem nhé!

--------------------


Hãy nghĩ rằng một khi quyết tâm đi du học, các em sẽ phải đối mặt với số lượng các lựa chọn và khối lượng công việc gấp đôi các bạn khác; vừa học chính quy vừa học ôn các bài thi chuẩn hoá, vừa lên lớp vừa tham gia các hoạt động, thay vì đăng ký thi một vài nguyện vọng ĐH, các em sẽ phải tìm hiểu và nghiên cứu đến cả chục trường ở xa tít tắp và viết rất nhiều các bài luận chính phụ + giấy tờ thủ tục… Vì vậy, mục tiêu của bài viết này là đưa ra một vài gợi ý mà mình cũng đã từng khuyên rất nhiều học sinh trong việc lựa chọn và sử dụng quỹ thời gian hợp lý cho việc xây dự thành tích học tập và hoạt động ngoại khoá (HĐNK).

Thành tích học tập và hoạt động ngoại khoá là 2 hoạt động của bất kỳ học sinh nào, dù có dự định đi du học hay không, vì vậy 2 hoạt động này không chờ đến khi chúng ta bắt đầu làm hồ sơ du học thì mới được chăm chút. Mình hoàn toàn khuyến khích tất cả các em học sinh học tập và tham gia HĐNK thực chất, theo đúng sở thích và năng lực của bản thân. Tuy nhiên đối với những bạn có dự định di du học, các em cần purposeful hơn, phân chia thời gian, công sức một cách cân bằng, khôn ngoan, tránh sa đà quá vào một mảng hay dàn quá mỏng các mối quan tâm của mình cho nhiều hoạt động một lúc.

Academic achievements

Trước tiên mình cần phân biệt 2 khái niệm GPA và Academic Achievements. GPA (Grade Point Average) là điểm trung bình các môn của từng năm học, gióng trên thang 10.0 tại Việt Nam hay 4.0 tại Mỹ. Đây là điểm học tập, ai đến trường học cũng sẽ có. Còn Academic Achievements mang nghĩa là thành tích học tập nổi bật bên cạnh hoạt động học tập thông thường, ví dụ như tham gia và đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi (HSG) trong và ngoài nước, tham gia vào các cuộc thi nghiên cứu bậc THPT… Tuy nhiên, đây không phải là phần bắt buộc, thực tế, chỉ có một phần nhỏ các bạn học sinh có những thành tích cao nổi bật vì những hoạt động này khá "exclusive", thường được tuyển chọn gắt gao, học sinh cũng thường phải dành phần lớn thời gian của mình để học đội tuyển và thi nhiều vòng. Các thành tích này luôn được đánh giá cao, và với một số cuộc thi tầm quốc tế thì rất danh giá. Bản thân mình rất hâm mộ các em học sinh không những tài năng mà còn có quyết tâm cực cao để theo đuổi đam mê. Và thực tế là đa số các em đạt thành tích cao xong mới nghĩ đến việc xin học bổng đi du học.

Tuy nhiên, nếu các em có định hướng du học từ sớm thì câu chuyện sẽ hơi khác một chút. Với lượng thời gian, công sức đầu tư vào cho kỳ thi cực cạnh tranh này, các em sẽ phải hi sinh rất nhiều khía cạnh khác của hồ sơ, cũng như khó phát triển bản thân mình một cách đa chiều. Hồi còn dạy học ở Việt Nam, mình có cơ hội được làm việc với rất nhiều bạn HSG quốc tế các môn tự nhiên. Mấy đứa đi thi HC Vàng, HC Bạc về lủng lẳng rồi mới lao đầu vào học TOEFL, SAT và làm hồ sơ. Dù phải công nhận là sáng dạ học cái gì cũng nhanh nhưng với sự gấp rút, thiếu nền tảng ngoại ngữ và thiếu kinh nghiệm từ các hoạt động bên ngoài lớp học, các bạn ấy thực sự thiệt thòi hơn hẳn trong cuộc đua apply vào ĐH nước ngoài. Đó còn là những người may mắn có thành tích tốt, thử hỏi hàng trăm, hàng ngàn HSG khác ra về tay không hoặc thành tích không cao thì còn hụt hẫng thế nào. Vì vậy, mình nghĩ rằng, ngoại trừ những bạn thực sự đam mê và xuất chúng trong bộ môn đó, có cơ may thi đến vòng quốc gia hay quốc tế và ghi dấu ấn thì nên đầu tư thời gian; còn lại, khi các em học sinh và các bậc phụ huynh đã xác định con đường du học thì nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn học thi đội tuyển. Nếu các em yêu thích một môn học nào đó, hãy set goal vừa sức và dành một khoảng thời gian vừa đủ để đạt được nó, sau đó tìm hiểu và phát triển bản thân thêm ở các khía cạnh khác nữa. Bên cạnh thi HSG, có rất nhiều cuộc thi khác mà mình thường gợi ý các em học sinh tìm hiểu như nghiên cứu khoa học kỹ thuật ứng dụng, giải toán mô hình, programming project… vừa học vừa làm thì sẽ thú vị, thiết thực và giúp mình học thêm nhiều kỹ năng mềm - toàn những yếu tố được đề cao tại các trường ĐH. Bên cạnh đó, những nghiên cứu, sản phẩm của các em sẽ luôn là các project hay ho để mình chia sẻ với hội đồng tuyển sinh dù có đạt giải hay không.

--> Vậy tóm lại, một bên vừa cần nhiều thời gian công sức + thành tích cao để "khoe", bên còn lại không chiếm quá nhiều thời gian, không áp lực học thi và hay nhất là luôn đảm bảo có thành quả để "khoe". Mình đang đứng từ điểm nhìn của phần đông học sinh dự định đi du học để phân tích, các em tự đánh giá tình hình và đưa ra lựa chọn riêng nhé!


Nguồn: Internet

Extra curricular activities

Hoạt động ngoại khoá là bất kỳ hoạt động có tổ chức nào diễn ra ngoài chương trình học chính khoá, nó có thể là các câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật trong trường học, các hoạt động tình nguyện của học sinh, các cuộc thi năng khiếu ở mọi quy mô, văn nghệ kỷ yếu và thậm chí kể cả những lớp học thêm ngoài giờ cũng được mình xếp vào nhóm này. Gọi là extra nhưng đã dần trở thành một yếu tố chính trong hồ sơ của học sinh vì nó giúp phản ánh màu sắc riêng của từng cá nhân, giúp các em thể hiện bản thân qua những vấn đề, lĩnh vực các em quan tâm và bỏ công sức theo đuổi.

Nhìn vào HĐNK của học sinh là cách ban tuyển sinh hiểu về:

  • Passion - đam mê, các mối quan tâm của học sinh

  • Leadership - Kỹ năng lãnh đạo, tính chủ động và tinh thần trách nhiệm chung

  • Impact - sự trưởng thành, tầm ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh

  • Commitment - sự cam kết, tận tuỵ trong thời gian dài

Vậy, nên chọn hoạt động nào?

Nhiều người vẫn nghĩ sẽ có những hoạt động ngoại khoá "xịn", sẽ có những chứng chỉ của cơ quan này tổ chức kia để giúp làm nổi bật hồ sơ. Mình thấy nhận định trên không sai! Đúng là sẽ có những hoạt động nổi trội và có tầm ảnh hưởng lớn hơn, ví dụ cùng tổ chức UN trong hoạt động giúp trẻ em nghèo vùng cao hay làm leader của 1 vài project. Tuy nhiên, việc tham gia các HĐNK bản chất chỉ là các thử thách cho mỗi học sinh phát triển bản thân, vì vậy thử thách là gì không quan trọng bằng các em đã đối mặt với nó như thế nào, trong bao lâu và đã trưởng thành ra sao. Hoạt động của các em dù chỉ rất nhỏ hay thậm chí for-profit (highly recommended) như đi làm gia sư, bán hàng online đều có thể là những thử thách, kinh nghiệm quý giá nếu các em thực sự commit, khai thác, học được từ nó để cải thiện bản thân, và nhớ rằng các kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý thời gian, tư duy phản biện, lãnh đạo… đều có thể tìm thấy ở những hoạt động nhỏ. Mình đã từng có cơ hội tham khảo hồ sơ đỗ những trường top ở Mỹ của một bạn underpriviledge bên này và nhận ra 1 trong những HĐNK tầm tầm của bạn ý là bán hàng part-time ở McDonald để phụ giúp gia đình.

Vì vậy hãy cứ tự tin tham gia những hoạt động mà các em quan tâm, yêu thích hoặc đơn giản là có điều kiện tham gia thay vì chạy theo các clb hot và các loại chứng chỉ hình thức vì một lẽ rằng bộ hồ sơ không yêu cầu bất kỳ một certificate nào hết, người đọc hồ sơ có thể dễ dàng nhận ra tính phi thực tế và thiếu nhất quán. Hiện nay certificate của các tổ chức nhiều như nấm, đâu ai có thể xác thực được những chứng chỉ bằng khen đó, vậy nên ai có thì nộp vào mục supplement chứ không bị yêu cầu bao giờ. Nếu có trung tâm nào doạ PHẢI có certificate và hứa làm "trọn gói" HĐNK thì chạy cho nhanh nhé các em!!!

--> Hãy chọn tham gia những nhóm, clb mà các em cảm thấy hào hứng ngay cả khi làm leader lẫn member ở đó, hay những cộng đồng mà các em không chỉ thấy sự hào nhoáng, xịn xò mà còn cả thiếu sót để mình có vai trò, trách nhiệm giúp nó cải thiện. Hãy tham gia một cách có chiều sâu, thể hiện qua thời gian, các vị trí, vai trò mà mình nắm giữ cũng như sức ảnh hưởng của mình lên cộng đồng xung quanh.

..................................................................................

*Nói thêm một chút về những người đọc và duyệt hồ sơ. Đầu năm vừa rồi mình có cơ hội được gặp và nói chuyện với hội đồng tuyển sinh quốc tế của một vài trường ở khu vực phía Nam bao gồm các trường tư như Duke và trường công như NC State, từ đó mình hiểu thêm rất nhiều cách họ đánh giá hồ sơ của học sinh quốc tế. Nếu ở Việt Nam chúng ta nghĩ rằng hội đồng tuyển sinh toàn các bác Tây không biết gì về hệ thống giáo dục ở Châu Á hay các tổ chức và HĐNK thì chúng ta nhầm thật rồi đó. Hội đồng tuyển sinh thường chia ra thành ít nhất 2 ban, 1 ban domestic chuyên xử lý hồ sơ trong nước và 1 số nước lân cận, ban còn lại sẽ chuyên đọc các hồ sơ quốc tế từ Á đến Phi. Ban tuyển sinh quốc tế thường tập hợp các bác/anh/chị có background rất đa dạng nhằm giúp hội đồng tuyển sinh có đánh giá sát nhất về tình hình từng khu vực.

Gặp gỡ với ban tuyển sinh quốc tế trường North Carolina State University


Khi mình phỏng vấn về cách mọi người đánh giá các HĐNK, các bác ấy rất chilled và tự tin trong việc nhận ra các hoạt động thực chất, và với những hoạt động nổi bật hơi đáng ngờ thì cũng dễ dàng cross-check bằng các công cụ tìm kiếm online hoặc đơn giản qua cách học sinh mô tả hoạt động đó và trình bày hồ sơ của mình. Khi hàng ngày phải đọc hàng chục bộ hồ sơ từ cùng khu vực địa lý, việc nhìn ra những điểm hư cấu, hình thức có vẻ không quá khó khăn với họ. Bản thân mình dù chưa được đọc hàng trăm bộ hồ sơ nhưng cũng dễ dàng red flag những dòng miêu tả hoạt động và thành tích khủng mà ngây ngô như trẻ con, rõ ràng là đến từ một mười không thực làm, thiếu insights hoặc có làm thì cũng hời hợt.

........................................................


Kết

Suy cho cùng, phấn đấu thành tích học tập nổi bật hay tham gia các HĐNK không phải là một yêu cầu trong hồ sơ hay ở bất cứ đâu mà thực ra nó là cơ hội cho mỗi học sinh khám phá và thử thách bản thân, từ đó hiểu thêm về mình và xây dựng những kỹ năng, kiến thức xã hội cần thiết cho tương lai gần khi vào ĐH. Đã có những bậc phụ huynh lo lắng đến mức đi xin các chứng chỉ HĐNK cho con để con tập trung vào học ôn SAT và TOEFL - những thứ không "hộ" được. Mình thực lòng khuyên các em học sinh tham gia các hoạt động học tập và ngoại khoá một cách thực chất để cải thiện chính mình, mong các bậc phụ huynh ủng hộ và định hướng con trong việc tìm kiếm và tham gia các hoạt động phù hợp, có ý nghĩa để giúp con thực sự hiểu biết và trưởng thành trước khi lên đường đến xứ người - điều mình chắc chắc là quan trọng hơn ngàn lần một vài điểm SAT hay TOEFL.


Hãy giúp các con được tự giúp chính mình.


Chúc bạn đọc và các em học sinh luôn tỉnh táo trước muôn vàn lựa chọn, lối rẽ trong công cuộc khám phá, phát triển bản thân và định hướng con đường trước mắt nhé.


Tiếp tục tìm hiểu thêm các khía cạnh của hồ sơ du học tại series College Application 101


Hạnh.


---------------

See you soon!!!

97 views0 comments

Comments


bottom of page