top of page

Thư giới thiệu - Letters Of Recommendation

Updated: Oct 10, 2021


Trong bài viết tổng hợp về thư giới thiệu, mình sẽ tập trung trả lời 4 câu hỏi chính nhằm giúp các em học sinh và các bậc phụ huynh hiểu thêm về:

1. Thư giới thiệu là gì?

2. Mục tiêu của thư giới thiệu?

3. Nên nhờ ai viết thư cho mình?

4. Viết thư giới thiệu như thế nào?


Bên cạnh đó bài viết này cũng đưa ra những gợi ý cực quan trọng để các em có được lá thư giới thiệu tốt nhất đấy!

----------------------------------------------------

Mình đang cố gắng viết blog, làm vlog tổng hợp trong series College Application 101 như một "one-stop source" về các chủ đề/hoạt động chuẩn bị hồ sơ như đã đề cập ở trên. Các bạn, các em ủng hộ và đón đọc/xem nhé!

--------------------


1. Thư giới thiệu khi apply hồ sơ du học là gì?

Thư giới thiệu trong hồ sơ du học - cái tên nói lên gần như tất cả, là những lá thư được viết bởi người phụ trách (GVCN), gv bộ môn, huấn luyện viên, hiệu trưởng… của học sinh nhằm cung cấp thêm thông tin khách quan về 1 học sinh. Những thông tin này sẽ giúp ban tuyển sinh ĐH hiểu thêm về thí sinh ứng tuyển trên phương diện tính cách, thái độ, tiềm năng từ đánh giá của những người hiểu rõ về bạn đó.

Hình thức viết thư giới thiệu không quá phổ biến tại Việt Nam nhưng ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ thì đã được sử dụng từ lâu và đóng phần rất quan trọng trong nhiều hoàn cảnh, ví dụ như quá trình apply Đại học hay các trường highschool danh giá, apply việc, apply vào các hội nhóm, apply nhận nuôi con, nhận nuôi pet… Mọi người có thể hiểu nôm na hoạt động giới thiệu này như chúng ta đi mua hàng vậy, người mua không chắc chắn về những lời quảng cáo của nhà sản xuất, họ cần đọc phần review của những người mua trước (dù họ chỉ là những người lạ) để đánh giá khách quan xem sản phẩm này có phù hợp với mình hay không. Người reviewer/recommender càng chỉ được ra nhiều điểm tốt, khách quan, chân thực thì càng dễ thuyết phục được khách hàng/ban tuyển sinh.

2. Mục tiêu của thư giới thiệu:

Trước khi viết thư giới thiệu, người viết cần đề ra mục tiêu rõ ràng để lá thư mang lại hiệu ứng tích cực và vẫn duy trì được thái độ cân bằng, khách quan. Các thư giới thiệu thường được các thầy cô sử dụng để:

  • Kể câu chuyện về học sinh và quá trình học tập/hoạt động ngoại khoá của bạn hs đó từ ngôi thứ 2 nhằm "khoe hộ" những chi tiết, thành tựu một cách khách quan.

  • Cung cấp bối cảnh của trường, lớp, từ đó giúp ban tuyển sinh đánh giá sát hơn vai trò, thành tựu của hs.

Ví dụ: Bằng cách đánh giá hs A thuộc top 10% của khoá, cộng với mô tả ngôi trường này là trường điểm của tỉnh, tỉ lệ chọi đầu vào rất cao, gv đã giúp cho ban tuyển sinh hiểu năng lực của thí sinh A này khủng thế nào. Hay hs B là leader clb tiếng Anh - đã được nêu trong hồ sơ, nhưng gv có thể cung cấp thêm câu chuỵên "behind the scene" về việc bạn đó từng học yếu tiếng Anh và đã nỗ lực thế nào để tham gia vào clb tiếng Anh, thậm chí còn trở thành leader -> từ 1 hoạt động chung chung ngay lập tức được thổi hồn, làm nổi bật lên không chỉ khả năng học thuật mà còn nhấn mạnh chặng đường phát triển cùng vô số các đức tính đáng quý của bạn ý.

  • Đưa ra những giải thích về một sự bất thường nào đó ví dụ như: GPA tụt đột ngột, chuyển trường, học muộn…

3. Nên nhờ ai viết thư giới thiệu?

Rất nhiều phụ huynh đã hỏi mình về việc nhờ thầy/cô hiệu trưởng hay giáo sư ĐH nào đó viết thư giới thiệu cho con có được không. Câu trả lời là quá được, quá tốt! Có recommender là những người có địa vị tốt, hoạt động tích cực trong ngành nghề mà các em hướng đến thì quả là lý tưởng. Điều này sẽ giúp cho hồ sơ của các em được đánh giá tốt hơn rất nhiều. Như kiểu ai đó đang tìm nhà hàng thì đọc được review của Gordon Ramsay vậy đó :)).

Tuy nhiên địa vị cao của người recommender không quan trọng bằng việc họ biết hs đó rõ đến đâu. Nếu lá thư không có nội dung gì ngoài 1 đoạn tự giới thiệu hoành tráng, theo sau là các chi tiết chung chung lờ nhờ kiểu A là 1 học sinh tốt, thầy yêu bạn mến.. thì mình nghĩ đây không phải là 1 ý hay. Bạn sẽ thấy sao nếu Gordon Ramsay nhận xét về nhà hàng nọ là "It's okay. They have salad and burgers"?

Hãy nhớ rằng, thư giới thiệu sẽ song kiếm hợp bích với những thông tin mà chúng ta đã khai trong hồ sơ để giúp ban tuyển sinh "double check" và hiểu sâu hơn về thí sinh, vì vậy nên các em nên biết chọn mặt gửi vàng. Hãy tìm đến những thầy cô mà các em tiếp xúc nhiều nhất, có nhiều ấn tượng và kỷ niệm nhất, thông thường đó sẽ là GVCN, GV bộ môn chuyên hay thậm chí là những GV phụ trách các môn phụ nhưng lại là môn ta yêu thích như thể dục, lịch sử, ngoại ngữ 2… Mình đã rất hào hứng khi các bạn hs của mình có thể xin thư giới thiệu thứ 3 (ngoài GVCN và GV môn chuyên) từ anh/chị phụ trách hoạt động tình nguyện, từ cô giáo luyện thi Toefl, hay từ GVCN cũ từ cấp 2 nhưng vẫn giữ liên lạc. Những lá thư này cung cấp các khía cạnh mới về học sinh mà ban tuyển sinh sẽ đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, khi viết về thư giới thiệu, mình không thể lờ đi 1 tình huống rất thường thấy đó là việc các thầy cô không có thời gian để viết thư giới thiệu, hoặc đơn giản là các thầy cô không quen dùng tiếng Anh. Điều này có nghĩa là chính chúng ta sẽ phải chủ động đạo diễn lá thư giới thiệu giúp các thầy cô. Tuy đây không phải là cách làm được đánh giá cao, nhưng trên thực tế, đây vẫn là cách làm phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam và chúng ta thì phải học cách sống chung với nó. Mình sẽ giới thiệu các lưu ý khi viết thư giới thiệu dưới đây, nếu em hs nào phải tự mày mò để viết thì có thể tham khảo nhé!

4. Viết thư giới thiệu như thế nào?

Có nhiều cách viết thư giới thiệu với các phong cách khác nhay: trang trọng, gần gũi, hài hước.. Ở bài này mình sẽ đưa ra những lưu ý về cách viết cơ bản, dễ thực hiện nhằm tránh những lỗi thường gặp cả về nội dunghình thức trình bày nhé!


Về nội dung

  • Người giới thiệu cần giới thiệu về mình trước, sau đó là mối quan hệ với người được giới thiệu. Như mình đã nói ở trên, người viết thư giới thiệu càng có địa vị cao, thâm niên công tác và mối quan hệ sâu sắc với học sinh càng tốt (qualifications). Việc giới thiệu bản thân cũng giúp tăng độ tin cậy cho những đánh giá của người viết trong cả lá thư. Ví dụ: khi cho biết mình đã dạy hơn 30 năm/nghiên cứu và giảng dạy tại môi trương quốc tế... thì đánh giá học sinh A là xuất chúng nhất từng gặp thì ý nghĩa của nó thực sự rất lớn.

  • Mỗi một là thư giới thiệu nên chỉ tập trung vào 2-3 phẩm chất nổi bật của học sinh, tránh sa đà liệt khen mọi khía cạnh vừa thiếu chiều sâu, vừa thiếu thực tế. Để có 1 lá thư giới thiệu cân bằng, người viết nên chú trọng vào cả khía cạnh năng lực học thuật (Intellectual Qualities như problem-solving skills, analysis, curiosity, creativity, communication, collaboration, and foreign language skills…) và cả khía cạnh tính cách cá nhân (personal qualities như honesty, integrity, courage, humor, thoughtfulness, maturity, cultural awareness, and compassion for others…).

1 tip nhỏ để đảm bảo các em có 1 lá thư chất lượng đó là hãy thẳng thắn trao đổi với thầy cô của mình về điểm mà mình muốn nhờ thầy cô nhấn mạnh. Điều này vừa để giúp chúng ta có 1 bộ hồ sơ cân đối, không bị lệch quá về 1 thế mạnh; việc trao đổi trước này cũng sẽ giúp các thầy cô viết thư nhanh hơn. Ở các trường cấp 3 tại Mỹ, hs còn được khuyến khích sử dụng các tờ "brag sheet" để điển thông tin, gợi nhắc kỷ niệm, ấn tượng về mình cho gv để giúp các recommenders viết thư giới thiệu đc chuẩn hơn.

  • Sau khi đã chọn được các phẩm chất, người viết cần phải nghĩ về những ví dụ, câu chuyện cụ thể để minh hoạ cho nhận xét của mình về học sinh. Những câu chuyện minh hoạ này cực quan trọng vì ngoài việc thể hiện mối quan hệ sâu sắc với học sinh, đây còn là mảnh đất màu mỡ để chúng ta "khoe hộ" các thành tích của học sinh. Tuy nhiên người viết cần lưu ý về độ chi tiết của những câu chuyện minh hoạ này. Dù sao người viết cũng chỉ là thầy cô, quan sát của họ bị giới hạn ở ngôi thứ hai, họ không thể theo sát và tường tận nhân vật chính suy nghĩ như thế nào, chi tiết tham gia hoạt động ngoại khoá ra sao… Thực tế, họ chỉ có thể nhìn vào 1 số biểu hiện mà đưa ra nhận xét.

Ví dụ 1:

Tôi để ý thấy giữa rất nhiều tổ chức và clb phổ biến ở trường, em A lại chọn 1 câu lạc bộ mới thành lập để tham gia. Tôi cho rằng trở thành 1 trong những thành viên đầu tiên, em A sẽ phải đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ và phải tự mình tìm tòi, học hỏi rất nhiều. Một vài tháng trước, em A và các bạn của mình đã thành công trong hoạt động triển lãm đầu tiên của CBL và đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ các bạn học sinh và thầy cô trong trường. Tôi được biết clb của A đã bán được hơn 300 vé và thu được gần 15 triệu đồng - một nỗ lực rất đáng khen. Tôi đánh giá rất cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám thử của em A


Đoạn thư này đã kể và "khoe" ở mức độ chi tiết vừa phải và rất thực tế với lời kể của giáo viên bộ môn hoặc giáo viên chủ nhiệm.


Ví dụ 2:

Em B là 1 học sinh có thái độ học nghiêm túc, bên cạnh đó cũng rất nhiệt tình với các hoạt động cộng đồng. Ngoài các hoạt động ở trường, B tham gia CLB Mầm Xanh của tỉnh nhằm giúp đỡ trẻ em dân tộc miền núi tại Hà Giang thông qua những chuyến đi tình nguyện hằng năm. Em B thường thảo luận cùng nhóm của mình để lên kế hoạch lịch trình chi tiết, cắt cử nhau chuẩn bị quà và vận chuyển quà đến vị trí tập kết. Mặc dù tham gia CLB và đảm nhận vai trò hỗ trợ chưa lâu, B đã được tin tưởng trao nhiệm vụ phó ban hậu cần và thường xuyên tham gia buổi họp cùng các nhà tài trợ. Qua những chuyến đi này, B đã học được rất nhiều điều và cải thiện được kỹ năng giao tiếp cũng như kỹ năng lãnh đạo của mình.

Đoạn thư trên là 1 đoạn tốt, khắc hoạ tố chất lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm cộng đồng, nhưng sẽ chỉ hợp lý nếu được viết bởi người trực tiếp phụ trách hoạt động này. Hãy thực tế một chút, giáo viên chủ nhiệm của các em thực sự biết chính xác em tham gia hoạt động ngoại khoá ngoài trường học như thế nào, giải quyết những vấn đề ra sao không? GVCN có lẽ sẽ chỉ nắm được sơ sơ, khó có thể kể lại với độ chi tiết cao như vậy.


Về hình thức

  • Trình bày: Lá thư cần được chia khổ, đoạn rõ ràng với đầy đủ mở, thân, kết.

- Đoạn mở thường là giới thiệu bản thân và mối quan hệ với học sinh

- Có thể có 2-3 đoạn thân tương ứng với số phẩm chất chính đã chọn từ trước.

- Đoạn kết nhằm nhiệm vụ tóm gọn lại ý ở các đoạn thân và đưa lời recommendation đến quý trường.

- Cuối cùng là họ tên và địa chỉ liên lạc (thông thường là email)

  • Độ dài: Đương nhiên không nên viết 1 lá thư quá ngắn (<200 từ) vì nó thể hiện sự sơ sài, người viết thư không quá quan tâm đến người được giới thiệu, hoặc mối quan hệ giữa họ không đủ sâu sắc, không có gì đáng nhắc tới. Việc viết một lá thư dài thể hiện sự tỉ mỉ của người viết, họ thực sự quan tâm và dành thời gian hỗ trợ cho học sinh của mình. Tuy nhiên, dù có nhiều điều để chia sẻ, người viết nên có gắng giữ lá thư có độ dài khoảng 1 mặt giấy mà thôi (~500 từ), tránh lan man càng khiến người đọc mất trọng tâm và chán nản.

  • Phong cách viết: Nếu các bạn học sinh tìm được những thầy cô dùng tốt tiếng Anh, các thầy cô có thể viết theo bất kỳ phong cách nào mà các thầy cô cảm thấy tự nhiên nhất. Còn nếu các bạn học sinh phải viết giúp các thầy cô thì mình khuyên các em nên chọn phong cách lịch sự chuẩn mực, nói cách khác, không cần trang trọng cứng nhắc formal quá (thưa gửi quá nhiều, đảo ngữ nhấn nhá cổ điển..) và cũng không nên casual quá (viết tắt, văn nói, cảm thán và dấu câu lung tung..). Về ngữ pháp và hành văn, ban tuyển sinh không mong chờ nhứng lá thư chau chuốt đúng ngữ pháp 100% của các thầy cô giáo quốc tế từ những nước không nói tiếng Anh, vì vậy lá thư có kèm theo một vài lỗi ngữ pháp, cộng với một số cách diễn đạt chưa nhiên cũng là điều dễ hiểu.

Lưu ý cho các bạn phải tự chuẩn bị thư giới thiệu: phong cách của các lá thư phải khác nhau!!! Các em có thể sẽ phải tự chuẩn bị đến 3 lá thư, vì vậy cần cố gắng tìm các cách biểu đạt, phong cách trình bày khác nhau cho từng lá thư, như thể nó được viết bởi những người khác nhau vậy.


Kết

Cuối cùng, mình sẽ gợi ý 1 số tài liệu bao gồm các tính từ miêu tả, các mẫu câu và cách diễn đạt cho thư giới thiệu:

Sách: Perfect phrases for letters of recommendation (Paul Bodine) - Nếu các em không tìm mua được cuốn này thì có thể contact, email mình nhé, mình sẽ gửi tặng bản PDF cho các bạn, các em!

Chúc các bạn, các em may mắn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học nhé!


Tiếp tục tìm hiểu thêm các khía cạnh của hồ sơ du học tại series College Application 101


Hạnh.

---------------

See you soon!!!




Comments


bottom of page